
Chủ nhiệm đề tài: Tiến Sĩ. Ngô Thị Thúy Hường _ Viện Khoa học Địa chất và Khoáng Sản, Hà Nội
Kết quả cho thấy: cỏ Vetiver giống Monto có thể sinh trưởng và phát triển tốt trên đất nghèo dinh dưỡng và bị ô nhiễm các chất độc hóa học và dioxin ở nồng độ vừa và nhẹ. Số liệu quan trắc sinh trưởng cho thấy thời kỳ phát triển cực thịnh của Vetiver là 8 tháng sau trồng, ở thời điểm này chiều cao thân cỏ có thể đạt tới 2,5 m, số nhánh đạt trên 30 nhánh và cỏ nở hoa đồng loạt. Sau đó cỏ Vetiver bước vào giai đoạn thoái trào phát triển, là chu kỳ sinh học bình thường của giống cỏ này trên các môi trường đất bình thường khác. Điều này chứng tỏ Vetiver có thể phát triển ổn định và bình thường trên đất ô nhiễm các chất độc hóa học và dioxin ở mức độ vừa và nhẹ.
Bên cạnh đó, Vetiver có thể hấp thụ dioxin: 2,4 D; 2,4,5 T và As vào trong bộ rễ khổng lồ của nó. Sự di chuyển của chất độc dioxin là từ rễ lên chồi. Mức độ hấp thụ phụ thuộc bởi nhiều yếu tố tự nhiên như chu kỳ sinh trưởng, điều kiện chăm sóc, điều kiện khí hậu, thời tiết,.v.v. Lượng dioxin hấp thụ vào bộ rễ sẽ được phân giải hoặc chuyển hóa thành các chất ít độc hơn; các chất độc hóa học như 2,4 D; 2,4,5 T, As và đặc biệt là dioxin có xu hướng giảm theo thời gian. Cụ thể là ở lô trồng cỏ có bón chế phẩm DECOM1 giảm tới 38% (tương đương khoảng 702 pg TEQ) và lô 2 không bón chế phẩm giảm 24% (tương đương khoảng 735 pg TEQ) sau một năm trồng.
Kết quả này được các chuyên gia đánh giá là khả quan, đáng mừng và sẽ có ảnh hưởng nhất định vì dioxin không chỉ là chất diệt cỏ đọng lại từ chiến tranh ngày trước mà các khu rác thải, nhà máy xi măng, luyện thép,….cũng có hàm lượng dioxin cao. Cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá cơ chế chuyển hóa của Vetiver biến các chất từ độc thành ít độc hoặc thành các chất không độc. Ngoài ra, việc xử lý Vetiver sau khi trồng trên đất ô nhiễm dioxin cũng cần được xem xét, đánh giá.
Vào ngày 8/8/2017 tại Hội thảo Cộng đồng Nghiên cứu Việt Nam được tổ chức bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius công bố về khoản tài trợ trong khuôn khổ chương trình PEER 6 để phục vụ nghiên cứu sâu hơn về việc (1) Vetiver đã xử lý ô nhiễm dioxin trong đất bằng cách nào, như thế nào, (2) Bản thân Vetiver đóng vai trò gì và (3) Hệ vi sinh vật trong vùng quyển rễ sẽ hỗ trợ và có vai trò gì trong quá trình xử lý ô nhiễm dioxin? Dự án tiến hành trong 3 năm từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2020.
Sự phát triển của Vetiver trên đất bị nhiễm độc dioxin tại sân bay Biên Hòa
Tiến sĩ Hường (đứng giữa), Đại sứ Hoa Kỳ Ted Oisius (đứng bên phải) và Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Manopchai Vongphakdi.