GIỚI THIỆU HỆ THỐNG CỎ VETIVER

Cỏ Vetiver (Chrysopogon zizanioides L) được sử dụng như một loại cây nhiệt đới rất độc đáo. Nó không kết hạt, không lan truyền bừa bãi và phải trồng bằng hom khi muốn nhân rộng. Đây là loài thực vật có thể phát triển với biên độ rất rộng trong nhiều điều kiện khí hậu và đất đai, nó có thể trồng ở bất cứ nơi nào thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới và Địa Trung Hải. 

Bộ rễ đồ sộ của vetiver phát triển rất nhanh. Nhờ đó nó có khả năng chịu hạn đặc biệt và giúp hạn chế xói mòn đất ngay cả khi có dòng nước xiết chảy qua. Cỏ Vetiver cần phải được trồng thành những băng cỏ ken dày, đây là điểm cực kỳ quan trọng để phát huy tác dụng của hệ thống cỏ đối với đất và ổn định mái dốc. Một hàng cỏ trưởng thành có thể giảm tới 70% nước chảy bề mặt và tới 90% bùn đất rửa trôi. Bùn đất bị chặn lại phía sau các hàng cỏ, lâu dần sẽ tạo nên các bậc thang, làm thoải dần địa hình sườn dốc. Biện pháp này rất đơn giản, sử dụng lao động thủ công, chi phí thấp nhưng lại rất hiệu quả.

Cây cỏ Vetiver đặc biệt có hiệu quả trong các lĩnh vực phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai như: lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất dốc, xói lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ taluy đường, bờ kênh mương, đê đập,… Một số ứng dụng quan trọng khác là bảo vệ và xử lý môi trường, làm giảm nhẹ ô nhiễm đất và nước, xử lý nước thải, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trong đất. Hệ thống cỏ Vetiver có thể sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực liên quan đến phát triển nông thôn và phát triển cộng đồng.

Hệ thống cỏ Vetiver

Đặc điểm hình thái của Cỏ Vetiver:

Cỏ Vetiver có dạng thân cọng, chắc, đặc, cứng và hóa gỗ. Thân cỏ mọc thẳng đứng, cao trung bình 1,5-2 m. Phiến lá hẹp, dọc theo rìa lá có răng cưa bén. Rễ chùm không mọc trải rộng mà cắm thẳng đứng sâu 3-4 m, rộng đến 2,5 m sau hai năm trồng. Rễ của loài Vetiveria zizanioides có chứa tinh dầu, chất lượng tốt nhất 18 tháng sau khi trồng với lượng tinh dầu 2-2,5% trọng lượng khô (Mekonnen, 2000).

Loài Vetiveria zizanioides được dùng phổ biến vì có đặc điểm không tạo hạt, nhân giống chủ yếu bằng phương pháp vô tính nên không thể mọc tràn lan như các loại cỏ dại khác (Hanping, 2000).

Cỏ Vetiver cần lượng mưa khoảng 300 mm, nhưng trên 700 mm có lẽ thích hợp hơn để cỏ tồn tại suốt thời gian khô hạn, thông thường cỏ Vetiver cần một mùa ẩm ướt ít nhất 03 tháng. Là loại cây C4 nên chúng thích hợp trong vùng có lượng ánh sáng cao. Cỏ Vetiver không phát triển tốt dưới bóng râm.

Hệ thống cỏ Vetiver

Các giống cỏ Vetiver

Có 12 giống được biết đến nhưng hiện có 2 giống cỏ Vetiver được trồng phổ biến.

(1) Giống Vetiveria zizanioides L.
Ở Ấn Độ có 2 dòng V. zizanioides là:
– Dòng Bắc Ấn, có ra hoa kết hạt.
– Dòng Nam Ấn, không hoặc rất ít ra hoa kết hạt. Dòng Nam Ấn có thể trồng để giữ đất và nước ở nhiều nơi trên thế giới. Xác định ADN cho thấy, trong số 60 mẫu lấy từ 29 nước thuộc Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Á, Châu Đại Dương và Châu Phi có 53 mẫu (88%) thuộc về dòng V. zizanioides vô tính. Tốt nhất trong số này là giống Monto (Australia), giống Sunshine (Hoa Kỳ), giống Vallonia (Nam Phi) và giống Guiyang (Trung Quốc).

(2) Giống Vetiveria nemoralis

Đây là giống có thể ra hoa kết hạt, có nguồn gốc và mọc rộng rãi ở các vùng núi cao ở Thái Lan, Lào, Việt Nam.
– V. zizanioides: Mọc cao to, thân cứng và khỏe; Bộ rễ dày hơn và mọc sâu.
– V. nemoralis: Thân thấp, mềm; Bộ rễ ngắn; Và quan trọng là loại này có khả năng phát tán.
Vì vậy cần cẩn trọng trong việc lựa chọn giống Vetiver.

Hệ thống cỏ Vetiver

So sánh rễ của V.zizanioides và V.nemoralis

Không có nhiều loài cây vừa độc đáo, đa năng, vừa kinh tế, hiệu quả, thân thiện với môi trường, lại đơn giản như cây cỏ Vetiver. Không có nhiều loài cây được phổ biến, ứng dụng rộng rãi và nhanh chóng đến vậy trong vòng hơn 20 năm qua trên khắp thế giới như cây cỏ Vetiver. Ở Việt Nam, Vetiver hiện tại đã được trồng tại gần 50 tỉnh/thành. Các bằng chứng từ những nghiên cứu khoa học và thực tiễn đã xác nhận thêm rằng: cỏ Vetiver là một lựa chọn đúng đắn cho mục đích bảo vệ môi trường.